Hướng dẫn cách chăm sóc cây cảnh luôn xanh tươi

Cây cảnh là bức tranh sống động kết hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Ngoài ra, chơi cây cảnh còn giúp con người gần với thiên nhiên, hài hòa, điềm tĩnh hơn. Hôm nay, Diên Vĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc cây cảnh giúp chúng luôn xanh tươi, tràn đầy sức sống.

Đặc điểm của cây cảnh trong nhà và ngoài trời

Cây cảnh là những loại cây được trồng với mục đích ngắm và thưởng ngoạn vẻ đẹp của cây, hoa, lá, dáng hình độc đáo của cây… Cây cảnh được trồng tự nhiên trong chậu, khay hoặc được cắt tỉa theo ý thích nghệ thuật riêng (cây bonsai, cây dáng thế).

Cây cảnh có thể được trồng ở trong nhà hoặc ngoài trời, là sự kết hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Tình yêu cây cối và nghệ thuật chơi cây kết hợp tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, độc đáo cho không gian sống.

Đặc điểm của cây cảnh nằm ở gốc cây, dáng cây và khả năng thích ứng.

  • Gốc cây: cây cảnh thường có gốc to hơn thân, chắc và vững chãi. Rễ cây chắc chắn, sum suê cũng góp phần tạo nên thế cây đẹp.
  • Dáng cây: Hay còn gọi là thế cây. Cây cảnh có dáng cơ bản theo sự sinh trưởng tự nhiên như thẳng, ngang, chúc xuống. Ngoài ra, những cây cảnh đẹp quý còn có thế cây đặc biệt, mang ý nghĩa phong thủy rất tốt như: thế phượng vũ, ngũ phúc, phụ mẫu, huynh đệ, long giáng, tứ quý, nguyệt ảnh…
  • Sự thích ứng: cây sinh sản hữu tính hoặc vô tính, có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường nhằm duy trì sự sinh trưởng và vẻ đẹp một cách liên tục.

Cây cảnh trong nhà

Cây cảnh trồng trong nhà có đặc điểm chung là ưa bóng, sinh trưởng tốt trong điều kiện anh sáng tự nhiên hạn chế. Cây có thể được đặt cạnh cửa sổ hoặc trang trí tiểu cảnh ở một số góc nhà, bàn làm việc…

Vì trồng trong nhà nên cây không có cành lá sum suê, ít rụng lá, dễ cắt tỉa và tạo dáng.

Trang trí cây xanh trong nhà là cách giảm căng thẳng, stress rất hiệu quả

Một số cây cảnh trong nhà

Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ được ưa chuộng trong trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ để thanh lọc không khí, cung cấp nhiều khi Oxy và có tác dụng tốt về mặt phong thủy. Lưỡi hổ có dáng lá thẳng đứng lên trên vô cùng mạnh mẽ. Cây dễ trồng, không cần nhiều ánh sáng và nước nên rất tiện chăm sóc cho người bận rộn.

Lưỡi hổ là loại cây rất dễ trồng và cũng dễ chăm sóc, đặc biệt loại cây này có thể đặt trong phòng ngủ

Cây cọ cảnh

Cọ cảnh là loại cây dễ trồng, cần ít nước và sống tốt trong bóng râm. Cây thanh lọc không khí và khí độc từ các vật dụng xung quan trong nhà. Lá cây phát triển đẹp, có thể đặt chậu cây cọ cảnh ở góc nhà, cầu thang, phòng khách…để trang trí cho không gian thêm xanh mát.

 

Các loại cọ cảnh giúp mang lại bầu không khí trong lành bởi chúng có khả năng hấp thụ chất độc trong không khí rất tốt

Cây nguyệt quế

Các bạn trẻ hiện nay rất thích dùng cây nguyệt quế để decor cho không gian sống của mình. Là loại cây bụi, nhưng nguyệt quế có thân dễ tạo dáng đẹp, lá xanh sẫm màu và khi ra hoa có màu trắng và mùi thơm. Cây dễ trồng, ưa râm và có ý nghĩa về sự chinh phục đỉnh cao, sự chiến thắng.

 

Hoa nguyệt quế có mùi thơm dịu dàng và quyến rũ giúp tinh thần luôn vui tươi, thoải mái và tỉnh táo

Cây cảnh ngoài trời

Cây cảnh ngoài trời thường là những loại cây ưa nắng, chịu hạn tốt. Cây có dáng đẹp hoặc những cây được con người tạo dáng một cách nghệ thuật nhằm trang trí cho không gian bên ngoài ngôi nhà thêm đẹp và ấn tượng.

 

Vườn cây cảnh ở công viên Rin Rin Park có nhiều loại cây với nhiều hình dáng khác nhau

Một số cây cảnh ngoài trời

Cây hoa giấy

Cây hoa giấy chịu hạn rất tốt, ưa nắng nên thường được trồng ở ngoài trời, làm giàn cổng… Cây cũng có thể trồng làm kiểng trong chậu cây. Gốc của cây hoa giấy làm cảnh thường to, uốn mình theo thế dáng nghệ thuật. Cành lá và hoa được cắt tỉa gọn gàng. Trong phong thủy, hoa giấy có tác dụng trừ tà khí, mang lại may mắn cho ngôi nhà.

 

Hoa giấy là loại cây chịu hạn tốt và ra hoa nhiều, càng khô hạn thì hoa giấy nở hoa càng nhiều

Cây cau kiểng

Cây cau kiểng có thân cao lên đến 10m, gốc cây to và tán lá đẹp, thường được trồng ở dọc hàng rào hoặc lối đi. Dáng cây vươn thẳng đứng, lá cây bung tỏa rất đẹp. Tuy nhiên, vì chiều cao của cây khá lớn, nên việc cắt tỉa cành lá cau có thể gặp hạn chế.

 

Hàng cây cau cảnh kết hợp cùng thảm cỏ xanh giúp tăng thêm vẻ sang trọng cho không gian sân vườn

Cây si bonsai

Người chơi cây cảnh hệ bonsai rất ưa chuộng dùng cây si để trồng trang trí cho không gian nhà ở, khu vườn. Cây si có dáng rất đẹp thường được trồng trong chậu cây lớn và trang trí thêm đá để tạo thành tiểu cảnh nhỏ sinh động.

Cây si chịu nắng rất tốt và sức sống vô cùng mãnh liệt. Cần cắt tỉa cành lá cây si gọn gàng thường xuyên để duy trì dáng cây đẹp.

 

Trong phong thuỷ, cây si mang đến cát tường và thịnh vượng cho người trồng

Chăm sóc cây cảnh để cây luôn xanh tươi và phát triển

Cung cấp nguồn ánh sáng

Cây cảnh có loại ưa bóng và loại ưa nắng. Cần chú ý loại cây để bố trí trong nhà hay ngoài trời phù hợp. Đối với loại cây ưa bóng, cần chú ý đặt cây ở nơi không bị ảnh hưởng trực tiếp của nắng gắt. Tuy vậy, hằng tuần nên để cây phơi nắng 2-3 giờ hoặc mang cây ra cạnh cửa sổ để hấp thụ nguồn ánh sáng tự nhiên, giúp cây sống lâu hơn.

Cung cấp nguồn nước

Đa số cây cảnh trồng trong nhà cần ít nước, còn cây ngoài trời thì chịu hạn tốt. Tuy vậy, nên cung cấp nước định kỳ để đảm bảo độ ẩm tối thiểu cho cây, tránh cây bị khô hạn quá mức.

Có thể tưới cây bằng cách phun giúp tiết diện nhận nước của cây được đều hơn, lá cây sạch thuận lợi để cây quang hợp tạo khí oxy.

Cung cấp nguồn dinh dưỡng

Bón phân vừa đủ mỗi 2 tuần để cây phát triển tốt. Lưu ý không bón quá nhiều phân vì sẽ làm cho cây sinh trưởng mạnh mẽ, cành lá um tùm, hạn chế cho việc tạo dáng của cây.

Đối với cây cảnh trồng trong nhà, không nên dùng thuốc trừ sâu vì sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn không khí sạch cho gia đình

Cắt tỉa cành lá

Cần cắt tỉa cành lá mọc sum suê hoặc cắt bỏ những chiếc lá úa vàng. Đây là việc quan trọng trong chăm sóc cây cảnh, vì nếu không cắt tỉa cành lá gọn gàng, cây dễ bị phá dáng. Lá úa và héo mang lại trường năng lượng xấu cho gia đình. Ngoài ra, cành lá quá sum suê còn là nơi trú ngụ của côn trùng như muỗi, sâu bọ…

Đối với lá cây có bản to, bề mặt lá dễ bám bụi, cần thường xuyên lau sạch bụi bẩn bằng khăn mềm lá luôn xanh tươi và sinh trưởng tốt.

 

Các loại cây và hoa trong vườn là những sinh vật sống, vì vậy để có được một khu vườn đẹp, rất cần bàn tay chăm sóc của con người

Có biện pháp “cứu cây” kịp thời

Khi chăm sóc cây cảnh sẽ không tránh khỏi những khi cây bị héo úa, rụng lá, sâu ăn cây hoặc chết cây một phần. Cần bình tĩnh “cứu cây” bằng cách tránh nắng trực tiếp lên cây và lá, bổ sung nước để hồi phục cây bị khô héo. Ngoài ra, có thể hòa dinh dưỡng (đạm) vào nước với một lượng thấp để bón cho cây mỗi tuần một lần. Tăng lượng dần sau 2 tháng để hồi phục sức sống của cây cảnh.

Đối với những cây trồng phát triển rễ cây nhiều, cần phải thay chậu mới cho cây hằng năm để đảm bảo không gian sinh trưởng và đủ độ dinh dưỡng cho cây.

 

Thay chậu cho cây cảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, bởi bộ rễ của cây cực kỳ nhạy cảm, nếu không cẩn thận có thể làm chết cây

Tránh tầm tay trẻ em – thú cưng

Dù là cây cảnh nhưng một số cây có các bộ phận (lá, rễ, thân…) chứa chất độc gây bỏng rát, dị ứng hoặc ngộ độc nếu ăn nhầm. Trẻ nhỏ và cả thú cưng là những đối tượng cần lưu ý vì chúng có thể nghịch phá một cách vô tư khi chơi đùa xung quanh cây.

Ngoài việc ra, việc tránh tầm tay trẻ và thú cưng còn bảo vệ cây cảnh được an toàn vì sự hiếu động của trẻ, thú cưng có thể làm gãy cành, nát lá cây…

 

Nhiều loại cây cảnh trồng trong nhà hoặc trong vườn có chứa chất độc trong lá hoặc nhựa, vì vậy tốt nhất hãy để cây tránh xa tầm tay của trẻ hoặc giáo dục trẻ tránh tiếp xúc với những loại cây này.

Bài viết cùng danh mục: